ĐẦU TƯ CŨNG NHƯ CÂU CÁ
Những ý tưởng đầu tư rất hiếm, và nếu từ đó có thể phát triển thành một cơ hội đầu tư tuyệt vời còn hiếm hơn nữa. Do đó ta cần một cách tiếp cận mà ở đó tỷ lệ cao ta có thể tìm thấy những ý tưởng xứng đáng để ta đào sâu hơn. Và cũng tùy vào thứ ta tìm kiếm cũng sẽ có những các tiếp cận hiệu quả riêng. Tôi sẽ chia sẻ một trong những cách tiếp cận hiệu quả, nếu bạn muốn tìm kiếm một doanh nghiệp tốt với cái giá tuyệt vời.
Đi câu ở đâu?
Trong ngành marketing, có một câu châm ngôn: “Fishing where the fish are”, hay dịch là “Đi câu ở nơi nào có nhiều cá”. Đây là một nguyên tắc đơn giản, hiệu quả và hiển nhiên. Cụ thể, nếu bạn muốn tiếp thị một sản phẩm hay dịch vụ, bạn sẽ luôn muốn tìm cách làm nào, để với nguồn ngân sách có hạn, có thể tiếp cận đến khách hàng nhiều nhất có thể.
Nguyên tắc này cũng đúng trong đầu tư. Ta luôn mong muốn tìm được những ý tưởng đầu tư tốt với ít thời gian và nỗ lực nhất có thể. Cũng bởi vì thời gian và sức lực của ta cũng có hạn. Và cũng như marketing, ta sẽ tập trung vào nơi nào có nhiều cá.
Trước tiên cần nhắc lại rằng, mục tiêu của một nhà đầu tư là sở hữu một phần doanh nghiệp với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó. Tức là nhắm vào khoảng chênh lệch chứ không phải chỉ riêng một yếu tố nào. Nhưng khoảng chênh lệch đó sẽ thường không quá rõ ràng với số đông để nhận diện, nếu nó rõ ràng với số đông thì nó sẽ không tồn tại. Vậy nếu không thể tìm bằng cách trực tiếp ta có thể tìm gián tiếp thông qua hai yếu tố cấu thành sự chênh lệnh ấy.
Có hai cách tiếp cận, một là nhìn vào nhóm những doanh nghiệp với giá trị có vẻ to lớn và xem xét rằng giá của nó có thấp hơn đáng kể giá trị đó hay không, và hai là nhóm những doanh nghiệp có giá có vẻ rẻ và xem xét rằng giá trị nó có cao hơn đáng kể với mức giá hay không. Một doanh nghiệp có thể lúc này thuộc nhóm này nhưng lúc khác lại thuộc nhóm kia. Và cả với hai nhóm ta đều có thể tìm được ý tưởng tốt. Tuy nhiên, xác xuất thành công mà ta tìm thấy những khoảng chênh lớn giữa giá thấp và giá trị cao ở nhóm hai cao hơn hẳn nhóm một. Do đó một trong những cách tốt nhất là tập trung sự quan tâm của ta vào nhóm những doanh nghiệp có giá có vẻ rẻ.
Vậy ta có thể tìm thấy nhóm này như thế nào? Có nhiều phương thức, nhưng phương thức tôi thấy hiệu quả nhất là sử dụng các công cụ lọc cổ phiếu. Bộ lọc không cần quá phức tạp, chủ yếu là ta lọc ra những nhóm cổ phiếu bị thị trường ghét bỏ và không quan tâm, những cổ phiếu với vẻ ngoài xấu xí và nhàm chán. Chúng thường bị số đông bán tháo, bị các chuyên gia đánh giá thấp, mọi người sẽ nhăn mặt khi nhắc đến tên chúng. Và khi bị ngó lơ và ghét bỏ như thế, những cổ phiếu này thường có mức giá rất thấp so với lịch sử giá của chúng. Và đây sẽ là cái ao lý tưởng đến chúng ta tìm thấy những cơ hội tốt, những con cá lớn.
Một số bộ lọc tôi có thể gợi ý cho bạn như: thủng đáy 52 tuần, thủng đáy 6 tháng, nhóm P/E hay EV/EBIT nhỏ, hoặc bạn có thể đặt các điều kiện cụ thể như thay đổi giá nhỏ hơn âm 30% trong 6 tháng hay một năm... Ngoài ra bạn cũng có thể thông qua các trang thông tin, báo đài hay cả những môi giới để tìm kiếm những cố phiếu có tin xấu, gây thất vọng và bị bán tháo. Đây sẽ nơi mang lại sự hứng thú cho những tay câu cá thực thụ.
Cũng cần nói thêm rằng, đây chỉ là nơi ta bắt đầu, chứ không phải là hoàn thành công việc. Cách tiếp cận này giúp ta nhanh chóng tìm thấy những ý tưởng hứa hẹn, đáng để ta bỏ công sức đào sâu hơn.
Nguyên tắc này là một điều khá đơn giản và hiển nhiên, dường như chẳng đáng để chia sẻ. Nhưng câu hỏi thú vị hơn ở đây là tại sao số đông người tham gia thị trường lại không làm như vậy, thậm chí họ còn làm ngược lại? Họ không đi câu ở nơi nào có nhiều cá, mà ở nơi có nhiều người câu cá. Fishing where the fishermen are.
Tại sao họ không đi câu ở nơi có nhiều cá?
Tại sao những cổ phiếu phá đỉnh, tăng giá mạnh lại càng dành được nhiều sự quan tâm của mọi người nhiều đến thế, dù cho mức giá có trông ngớ ngẩn đến đâu đi nữa? Tại sao họ lại bỏ nhiều thời gian cố gắng kiếm chút lời sót lại, dẫu cho nơi đó đông đúc người cùng suy nghĩ? Câu trả lời chắc chắn cấu thành từ nhiều lý do khác nhau. Cùng với nhau chúng tạo nên điều bất hợp lý, và đôi khi chúng còn khiến sự việc đi quá xa và tạo ra những hậu quả đáng tiếc.
Họ không biết câu cá, họ cũng không biết con cá trông như thế nào.
Hầu hết mọi người tham gia thị trường chứng khoán là tự phát. Họ thường bắt đầu thông qua sự chỉ dẫn của một người bạn, các khóa học online vài tuần, hay các hội nhóm trên mạng. Những nguồn thông tin này đa phần là tạp nham, và vô nghĩa. Ở đó họ mua đi bán lại theo những lời hô hào của người khác, những người cũng chẳng hiểu rõ hơn họ là bao nhiêu. Hoạt động đầu tư của họ không dựa trên một nền tảng kiến thức vững chắc nào cả, mà chủ yếu là hoạt động tập thể.
Một người không biết câu cá và chính con cá thì việc phạm sai lầm trong việc tập trung vào nơi có nhiều người câu cá khác là một điều dễ hiểu.
Việc đi câu với nhiều người khiến cho họ vui hơn và cảm thấy đúng hơn.
Bản thân việc đi theo số đông đem lại nhiều sự hứng khởi và thoải mái cho những người tham gia. Bởi bản năng bầy đàn là thứ ăn sâu vào tâm trí của loài người chúng ta. Mà bản thân việc đầu tư lại trái ngược với bản năng ấy. Nhưng vì họ không biết thế nào là đầu tư cho nên họ dễ dàng làm theo bản năng.
Thông thường, khi xem xét một ý tưởng đầu tư, ta thường cố gắng tìm lý do để không đầu tư vào ý tưởng đó. Những người tham gia thị trường ngoài kia thì làm ngược lại, họ thường quyết định mã cổ phiếu sẽ mua bán ngay từ đầu, thường là trong vô thức, và cố gắng tìm kiếm lý do để củng cố quyết định đó. Họ dạo khắp các báo đài, đội nhóm để tìm những thông tin ủng hộ hay những người có quyết định giống họ. Với việc biết rằng nhiều người khác cũng đưa ra quyết định giống mình, họ cảm thấy an tâm hơn và tin rằng quyết định đó là đúng.
Và khá thú vị là ngay khi cả quyết định đó hóa ra là sai và khiến họ mất tiền, nhưng vì họ không sai và không mất tiền một mình, họ cảm thấy ít sai hơn. Thế nhưng sự thật đã được Benjamin Graham chỉ ra lâu về trước:
“Bạn không đúng hay sai chỉ vì người khác đồng ý hay không đồng ý với bạn. Bạn đúng bời vì thông tin và lý luận của bạn đúng.”
Nhiều cá hơn, vui hơn
Là một người đi câu cá, tôi sẽ không có phàn nàn gì về việc ở nơi có nhiều cá lại có ít người câu cá. Tôi cũng không cầu mong cho những người đi câu khác ra về với cái bụng rỗng hay tệ hơn là mất cả chì lẫn chài. Nhưng thực tế, những cái ao vắng lặng nhưng chứa đầy cá vẫn sẽ tồn tại. Ta vẫn sẽ cố gắng làm tốt việc của ta, nỗ lực hết mình để câu được những con cá to nhất và làm việc đó một cách lâu bền.
Đọc tiếp bài viết của tác giả Benjamin P. Penner tại đây: https://b.link/tim-kiem-nhung-y-tuong-dau-tu
NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!