BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHUYỂN NGHỀ?


BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHUYỂN NGHỀ?

“Chắc em sẽ không thể tiếp tục làm việc như thế này mãi được. Có lẽ em phải chuyển nghề.”

“Em cũng muốn chuyển nghề lắm nhưng chưa dám, chị ạ.”

“Em có nên chuyển nghề không?"                                                                                                                                           "Tớ muốn chuyển nghề. Cậu xem có bên nào có nhu cầu tuyển dụng… thì giới thiệu giúp tớ nhé.”

Trong những cuộc trò chuyện với những người bạn nhân dịp cuối năm 2024, tôi nhận thấy có một mối quan tâm chung của những người bạn trong độ tuổi từ 35 đến 45 là chủ đề chuyển nghề. Xét về mặt thời điểm, những người trong độ tuổi này đang ở đoạn giữa của hành trình nghề nghiệp. Theo Lý thuyết Phát triển Nghề nghiệp của Donald Super,  đây là giữa giai đoạn “thiết lập” (từ 25-45 tuổi) và đầu giai đoạn “duy trì” (45-65 tuổi). Hiểu một cách cơ bản là vào độ tuổi này, bạn đã biết bạn là ai, bạn thích gì, bạn giỏi gì và bạn muốn gắn bó lâu dài với nghề gì để có thể toàn tâm toàn ý với nghề đó và có một sự nghiệp khiến bạn hài lòng.

Đó là lý thuyết còn thực tế không phải ai cũng đi một mạch theo đúng lộ trình như vậy về tuổi tác. Một sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của bạn ở một thời điểm có thể khiến bạn phải định hướng lại con đường sự nghiệp và quay trở lại giai đoạn “khám phá” trong một thời gian trước khi bước vào giai đoạn thiết lập và duy trì.

THAY ĐỔI ĐỂ TÌM ĐƯỜNG

Cách đây 12 năm, khi ấy tôi 32 tuổi, sau khi đã trải nghiệm một số nghề và môi trường làm việc khác nhau, tôi nhận ra đã đến lúc tôi cần có kế hoạch dài hơi hơn cho sự nghiệp. Tôi vốn là người thích trải nghiệm, thích học và chịu khó nên hầu như công việc nào tôi cũng làm tốt. Nhưng tôi không thể cứ thích cái gì thì lại lao vào bởi nếu như thế tôi sẽ chẳng tập trung vào một lĩnh vực hay một nghề cụ thể và sẽ mãi chỉ là “jack of all trades, master of none” (người có thể làm nhiều việc nhưng không giỏi hoàn toàn trong lĩnh vực nào). Tôi muốn mình không chỉ làm tốt mà phải làm giỏi, phải có chuyên môn sâu. Và thế là tôi bắt đầu ngồi lại để vạch ra các con đường có thể giúp tôi phát triển chuyên môn. Tại thời điểm đó, tôi đã có một quyết định mạo hiểm. Đó là rời bỏ con đường làm quản lý dự án cho các tổ chức phát triển phi lợi nhuận để bước sang khối doanh nghiệp, nơi mà sự cạnh tranh và áp lực lớn hơn rất nhiều. Một vài người bạn và đối tác khi biết tôi quyết định chuyển nghề đã nhắn tin riêng cho tôi để bày tỏ sự tiếc nuối.

Tôi có tiếc không? Có chứ. Nếu tôi tiếp tục theo con đường làm quản lý các dự án phát triển, tôi vừa có địa vị xã hội, vừa có mức lương cao. Và tính tới thời điểm đó, tôi đã có 10 năm kinh nghiệm, đã kinh qua những dự án vô cùng “khoai” nên dù có thay đổi dự án, lĩnh vực thì tôi cũng không thấy có gì là đáng ngại. Nhưng tôi biết vùng an toàn cũng chính là cái bẫy của cuộc đời. Khi ấy, tôi đã tự nói với bản thân rằng: “nếu bây giờ mình không dám thay đổi thì càng lớn tuổi hơn, mình sẽ lại càng ngại thay đổi.” 

NỖI SỢ BẠN CẦN ĐỐI DIỆN

Chuyển nghề là một quyết định mạo hiểm và cần sự dũng cảm. Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần rơi nước mắt khi nghĩ tới việc chuyển nghề. Năm 2016, khi quyết định rời vị trí event manager cho một dự án ngoại giao của Liên minh Châu Âu, tôi đã phải mất gần một năm mới dám dứt khoát. Tôi biết nhiều người không cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn nghề nghiệp của bản thân nhưng không dám thay đổi vì nhiều lý do. Lý do phổ biến nhất trong số đó là vì họ sợ: sợ thất bại và sợ cam kết.

Là một người đã vài lần chuyển nghề, tôi chưa từng có lần nào cảm thấy hối hận. Điều duy nhất tôi hối hận hồi năm 2016 là sao mình đã không ra quyết định đó sớm hơn. Mỗi lần chuyển nghề, tôi lại có cơ hội được khám phá một “mảnh đất mới” và làm mới bản thân. Thâm chí bây giờ, dù đã làm nghề career coach và là một trong số ít người sống được với nghề này tại Việt Nam, tôi vẫn chuẩn bị tinh thần rằng một ngày nào đó có thể tôi sẽ lại chuyển nghề nếu tôi muốn. Tôi không còn cảm giác sợ hãi khi nghĩ tới việc chuyển nghề nữa bởi tôi biết rằng tôi luôn có nhiều hơn một lựa chọn và tôi hiểu rằng ở mỗi thời điểm của cuộc đời tôi có thể có những ưu tiên khác nhau. Nếu chọn sai, bạn

vẫn có thể chọn lại mà. Một cách tích cực hơn, nếu trải nghiệm với nghề mới không như những gì bạn kỳ vọng thì ít nhất bạn cũng đã được “nếm thử” để không phải ân hận vì muốn mà chưa làm được.

BẠN ĐÃ CHUẨN BỊ HÀNH TRANG?

Nhưng tôi sẽ không khuyên bạn ngay lập tức chuyển nghề. Trong các chương trình hướng nghiệp cho học sinh, tôi thường lấy hình ảnh một chiến binh ra trận để ví von với việc một người chuẩn bị gia nhập thị trường lao động. Làm gì có người chiến binh nào ra chiến trận với tay không. Khi chuyển nghề, bạn sẽ gia nhập một địa hạt mới và bạn cần chuẩn bị cho mình hành trang để có thể thích ứng và phát triển ở đó. Khi làm việc với các thân chủ mong muốn chuyển nghề, tôi thường cùng họ kiểm kê xem họ đã có những gì trong hành trang nghề nghiệp (kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, tố chất, các mối quan hệ…) và để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc mới, họ sẽ cần bồi đắp thêm những gì. Điều thú vị là hầu hết mọi người (những người đã đi làm một thời gian) khi ngồi kiểm kê hành trang nghề nghiệp đều nhận ra rằng họ có nhiều hơn những gì họ nghĩ. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã giúp bạn giảm bớt nỗi sợ một cách đáng kể rồi.

Cuối cùng, dù bạn có lựa chọn con đường nào đi nữa, hãy nhớ rằng bạn KHÔNG ĐƠN ĐỘC. Chúng ta đều từng trải qua những băn khoăn, những lo lắng khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời. Hãy tìm đến những người bạn, người thân, những chuyên gia tư vấn để được chia sẻ và hỗ trợ. Sự thay đổi là điều tất yếu, và khi bạn đã sẵn sàng, cánh cửa mới sẽ luôn mở rộng chào đón bạn.

Đọc tiếp bài viết của tác giả Lê Hằng tại đây: https://b.link/CHUYEN-NGHE-BAN-DA-SAN-SANG

NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn