MỌI CHUYỆN CHẮC SẼ ỔN THÔI


MỌI CHUYỆN CHẮC SẼ ỔN THÔI

Khi còn ở trong khủng hoảng, thật khó để tin vào sự tồn tại của lối ra

Sẽ có một giai đoạn nào đấy trong cuộc đời mà bạn thấy nó như ngày tận thế. Một chuyện tồi tệ quá sức chịu đựng xảy đến hoặc nhiều chuyện khó khăn ập đến cùng thời điểm. Bạn thấy mình như bị chôn vùi, tự nhủ: "thôi thế là xong, chẳng còn gì nữa".

Mình cũng vậy. Khi khủng hoảng qua đi, đầu óc thông suốt, nhìn lại thấy không còn nặng lòng như trước. Nhưng trong bão khủng hoảng, có cố mấy mình cũng không thể lạc quan nổi. Những sóng gió liên tục ập đến, quật ngã mình hết lần này đến lần khác. Những chuyện xảy ra với mình có lẽ không phải là những chuyện khổ sở nhất thế giới nhưng đối với mình, nó luôn quá sức. Có những chuyện giờ nghĩ lại mình thấy khá nhẹ nhàng nhưng đối với mình năm 15 tuổi lại kinh thiên động địa.

Sóng gió liên tục đã vùi dập niềm tin: mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi ở trong mình và thậm chí còn đẩy mình vào tâm thế nạn nhân. Mình từng rất ghét quan điểm: khó khăn là để rút ra bài học, chúng ta sẽ phát triển khi tìm cách vượt qua thách thức. Mình kiểu: Quá mệt rồi, tui không có nhu cầu học gì nữa được không. Tôi không phát triển cũng được, vô tri cũng được. Xin đấy. Chị Hạnh bảo, rất hiếm có ai trải qua ngần đấy chuyện mà vẫn giữ được sự vô tư, lạc quan như mình. Nhưng tự thân mình thấy, mình chẳng lạc quan đến thế. Nhiều chuyện đến, mình thấy tệ đến mức trở nên vô cảm, mặc kệ chứ không hề lạc quan.

Điều gì biến một sự kiện thành khủng hoảng?

Vì tính chất công việc, mình thường xuyên được đồng hành cùng khách hàng trong những giai đoạn khủng hoảng. Có người đối diện với bệnh tật, thiếu thốn. Có người đổ nợ, mất tiền, gia đình lục đục. Có người thất tình, thất nghiệp. Có người gặp cảnh người thân đau ốm, qua đời. Có người quá tải với các vai trò xã hội. Có người được cả combo, một lúc đối diện hết những điều trên. Đừng ai nói rằng, ngoài kia còn đầy người đói ăn, thiếu nước còn bạn thì vẫn có cái này cái kia. "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu". Trong đầu lúc đó chỉ toàn là vấn đề của bản thân, tâm sức đâu nhìn ra ngoài để so sánh.

Bản chất sự kiện không phải khủng hoảng nhưng chính cách chúng ta diễn giải và phản ứng với sự kiện đó lại sinh ra khủng hoảng. Mà khi khủng hoảng đến, ai cũng như kẻ mù tìm đường trong tối, càng đi càng bế tắc. Dù có ai khuyên bảo hay nói gì, chúng ta cũng chỉ thấy sự mù mịt phía trước. Bởi chúng ta bị bủa vây bởi ma trận của những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực với bản thân. 

This too shall pass - Chuyện này rồi cũng sẽ qua

Mình chưa bao giờ nghĩ, sẽ có lúc mình lại tin vào câu quote có phần self-help, cổ vũ suông này:

mọi chuyện rồi cũng ổn thôi và khó khăn là để con người ta trưởng thành.

Chẳng rõ tương lai thế nào nhưng hiện tại, mình cảm nhận rõ ràng điều đó. Dù vẫn còn chút lo sợ nhưng trộm vía, mình đã được trải nghiệm một năm an lành. Những biến cố vẫn xảy ra nhưng có lẽ nó đã nhẹ nhàng hơn hoặc mình đã vững vàng hơn. Mình thôi không diễn giải sự kiện dưới góc nhìn nạn nhân hay tội nhân. Nhờ đó mình cũng phản ứng bình tĩnh hơn và biến cố bớt quá sức hơn trước.

Còn nhớ, hồi cấp ba, mình thi trượt đội tuyển, bị tình đầu đá, bố mẹ đều có người mới, đổi môi trường bị sốc văn hóa, cái tôi cao bị bẻ gãy gục xuống. Mình tưởng vậy là tệ lắm rồi. 

Lên đại học, gia đình phá sản, một thân một mình đi đòi nợ xã hội đen giùm bố mẹ, bị lừa tiền, bị theo dõi, suýt bị xâm hại. Yêu đương bị lừa dối, thất tình bị động. Mình muốn bỏ học kiếm tiền và tự giải thoát. Mình cãi nhau lớn với gia đình. 

Ra trường đi làm một thời gian, mình nghỉ việc nộp hồ sơ du học với sự tự tin cao ngất. Trượt học bổng phút chót, mình ngỡ ngàng. Gia đình vẫn khó khăn, lục đục, người lớn lại ốm đau. Trong túi mình chỉ còn đúng 1 triệu rưỡi để sống hết tháng, trong đó 500k là tiền xe khách về quê. Mình không dám nghĩ cái ch.ế.t nữa, nhưng mình tự cô lập. Phần vì sợ gặp gỡ sẽ phải tiêu tiền, phần vì xấu hổ, nhục nhã.

Dịch Covid-19 đến và cướp đi bà - động lực sống của mình suốt nhiều năm. Mình chênh vênh, để mặc cảm tội lỗi và đau khổ nhấn chìm. Mình chẳng biết đến lúc nào đó, mình, bố mẹ, anh chị và em của mình sẽ phải xa nhau đầy đau xót như thế. Nên mình muốn sống và sống tốt hơn, hài hòa với những người ở lại hơn.

Ở những thời điểm mệt mỏi đó, mình chưa bao giờ nghĩ một ngày, gia đình mình vượt qua khó khăn, mối quan hệ của mình và bố mẹ được cải thiện. Có thể chưa cởi mở thân mật hoàn toàn nhưng đã không ngượng ngùng, xa cách. Có thể chưa dư dả nhưng cũng không còn khốn khó. Có thể chưa giàu có nhưng cũng không cần phải tằn tiện từng đồng ăn trưa, né tránh gặp gỡ bạn bè. Cũng không chắc người trước mặt sẽ mãi là người trong tim nhưng ít nhất mình cũng không cần phải cuống quýt chạy theo người không thương mình. Vẫn có những tranh cãi trong mối quan hệ nhưng thay vì đối đầu nhau chúng mình cùng nhau tìm cách đối phó với vấn đề đó.

Có lẽ, đến một lúc, khi chúng mình không còn xù lông chiến đấu với cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ thôi chĩa súng về chúng mình.

Chúng ta đều từng bị dồn ép đến cùng, bị xô ngã rơi xuống đáy. Nhưng có lẽ vì chạm đáy mà vẫn sống nên chúng mình chỉ có thể bò lên, leo lên và đứng lên. Mỗi ngày một chút, buông bớt cái tôi, buông bớt ảo vọng, buông bớt cái gồng mình chống chọi, chúng mình dần thoát khỏi tâm thế nạn nhân, không còn xem cuộc đời là cuộc đua hay cuộc chiến. Chúng mình chỉ sống và dần mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi.

Đọc tiếp bài viết của tác giả Monet Monet tại đây: https://b.link/Moi-chuyen-chac-se-on-thoi

NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn