BẠN CHÊ CÁI TÔI THÍCH, BẠN THÍCH CÁI TÔI CHÊ
Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội từng đăng tải phóng sự "Tràn lan "rác" âm nhạc trên không gian mạng", khiến cuộc chiến khen chê lại một lần nữa nổi lên, giữa một bên "cổ hủ, lạc hậu" và một bên "lệch lạc", "gu âm nhạc nhảm nhí".
Nhạc Tlinh, Bình Gold hay Chi Pu không phải những thứ duy nhất từng bị gọi là rác, nhảm nhí, vô bổ. Trước đó là NTN Vlog, Thơ Nguyễn, Duy Nến... Song theo mình, trừ tin giả ra thì không có nội dung nào đáng gọi là "rác" cả.
1. Tôn trọng sự khác biệt
Thế kỉ 21, internet thực sự không thiếu một thứ gì, chỉ trừ một thứ, là sự tôn trọng quan điểm của người khác. Những cuộc tranh luận trên mạng diễn ra hàng ngày, hàng giờ, xoay quanh 1001 chủ đề khác nhau: từ chuyện ăn thịt chó, LGBT, đến gu âm nhạc, nghệ thuật, drama showbiz, thậm chí là chính trị, kinh tế, tôn giáo... Điểm chung là ở cuộc tranh luận nào cũng tồn tại những người cho rằng bất cứ ai không có cùng quan điểm với mình là "bọn ngu", "không biết gì", "lũ đạo đức giả", "bọn tiêu chuẩn kép", "phật online", "vô tâm", "vô giáo dục".
Vậy quan điểm của mỗi người từ đâu mà có? Góc nhìn của mỗi người về một vấn đề, chắc chắn là khác nhau. Nếu có 10 người cùng thảo luận trên một cái bàn, thì trên cái bàn đó tồn tại 10 cách nhìn khác nhau. Sẽ có những cách nhìn, mà nói sơ qua thì có vẻ giống nhau, nhưng khi đi phân tích đủ sâu, thì chắc chắn điểm khác biệt sẽ xuất hiện.
"Bạn không ngu, không vô đạo đức. Bạn chỉ sinh nhầm thời." Mình vẫn hay nói vui như vậy. Mình tin rằng nếu tồn tại một vũ trụ song song, thì chỉ cần một sai lệch nhỏ bé trong dòng thời gian, tiêu chuẩn xã hội ở đó sẽ rất khác, thậm chí có thể trái ngược hoàn toàn với xã hội chúng ta. Ở đó loạn luân, ăn thịt người, vô thần hay vô chính phủ có thể mới là tiêu chuẩn mà số đông theo đuổi.
2. "Rác" mạng và chuyện đầu độc giới trẻ
Quan điểm của mỗi người khác nhau, nên tất nhiên, sở thích của mỗi người cũng khác nhau. Thứ bạn coi là "hay" sẽ khác thứ tôi coi là "hay". Thứ bạn coi là nhảm nhí, vô nghĩa, thậm chí kinh tởm, biến thái nhất, hoàn toàn có thể là sở thích của rất nhiều người khác.
Vậy dựa vào cơ sở nào mà ta có thể khẳng định sở thích của họ là "đồ bỏ"? Ta là ai mà có đủ tư cách, thẩm quyền khẳng định một sở thích nào đó là nhảm nhí? Họ cũng có những luận điểm, dẫn chứng của họ để khẳng định sở thích của chúng ta là vô nghĩa, ai có đủ tư cách để làm thẩm phán phân chia đúng sai?
Trước đây mình cũng từng rất ghét các nội dung của NTN Vlog (và nhiều kênh tương tự). Mình cũng từng cho rằng đây là những nội dung vô nghĩa, không có mang chút giá trị nào cho xã hội. Nhưng rồi mình nhận ra có rất nhiều người xem và thích xem thể loại nội dung này. Mình là ai mà có thể đánh giá lối sống, học thức của những người xem này chứ? Vả lại, giúp con người ta giải trí cũng là tạo ra giá trị cho xã hội mà, chỉ là những người đấy không phải mình mà thôi.
Từ những luận điểm trên, mình cho rằng không có loại nội dung nào thực sự là "rác". Và giới trẻ không bị đầu độc, mà quan điểm của giới trẻ thay đổi. Có lẽ trong những thời đại trước, những người phụ nữ đầu tiên đi ngược lại quan niệm trọng nam khinh nữ, cũng vướng phải những ý kiến trái chiều từ xã hội, sẽ có những người nói những văn hóa phương Tây đã "đầu độc" họ.
Đọc tiếp bài viết của tác giả DumbBrainDump tại đây: https://b.link/Ban-che-cai-toi-thich-ban-thich-cai-toi-che
NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!