Đã bao giờ bạn cảm thấy mình rất chăm chỉ, nhưng kết quả vẫn chẳng ra đâu vào đâu? Công việc cứ nửa vời, chẳng cái nào hoàn thành xong. Nếu cảm thấy quen thuộc, rất có thể bạn đã rơi vào cái bẫy “ảo tưởng chăm chỉ” mà chúng ta hay gặp.
Chăm chỉ thật hay trì hoãn ngầm?
Trì hoãn không nhất thiết phải là khi ta lười biếng hay chẳng làm gì cả. Đôi khi, chúng ta bận rộn đến nỗi ngỡ mình chăm chỉ, nhưng thật ra lại đang làm những việc chưa cần thiết, chưa thực sự ưu tiên.
Hồi đó, gần đến kỳ thi, việc quan trọng nhất là ôn bài, nhưng mình lại dành thời gian cho tập thể dục, tập nhảy với lý do để "đảm bảo sức khỏe" cho kỳ thi sắp tới. Rồi mình listing thêm cả tá công việc phải hoàn thành. Nào là ăn uống, dọn dẹp, tắm rửa... vì "phải thật thoải mái thì học mới vào đầu." Làm xong hết mình lại nghĩ: "Mình đã vất vả rồi, giờ có thể xả hơi 1 chút". Định lướt tóp tóp vài phút rồi ngồi vào bàn, nhưng ai ngờ. Cứ bảo 8h, lại 8h3p, rồi "8h5p đi cho tròn". Thế là hết cả buổi tối mà bài vở vẫn chưa động chữ nào. Ngày qua ngày, cứ nửa vời với mọi thứ, rồi lại tự an ủi: “Mình bận thật mà, làm không kịp là do có nhiều việc.” Nhưng sự thật là mình chỉ đang trì hoãn, lấy lí do bận rộn để che đậy cho sự lười biếng.
Cơ chế "lừa mình dối người" của não bộ
Mình nghĩ không chỉ mình, mà cũng có nhiều người giống mình hồi ấy. Khoa học gọi hiện tượng này là Thiên kiến xác nhận - confirmation bias, một cơ chế khiến bộ não chúng ta càng tin hơn vào những điều mình muốn tin. Khi bạn tin rằng “mình đang rất bận và chăm chỉ,” bạn sẽ tìm lý do để chứng minh điều đó. Vậy nên dù có dành thời gian vào những việc nhỏ lẻ, chưa cần thiết, chúng ta vẫn cảm thấy mình đã làm được gì đó – và lơ là với mục tiêu chính.
Dưới đây là một số giải pháp "cứu cánh" giúp mình thoát khỏi sự "thôi miên" của não bộ, trở lại và tập trung hơn vào những mục tiêu quan trọng.
1. Xác định và ưu tiên công việc thực sự quan trọng
Hãy phân loại công việc theo mức độ ưu tiên. Đừng rơi vào bẫy của việc bắt đầu từ những thứ dễ dàng rồi đổ lỗi rằng bạn "bận rộn”.
2. Lên kế hoạch chi tiết và chia nhỏ mục tiêu
Khi có một kế hoạch rõ ràng với các bước nhỏ để thực hiện, bạn sẽ cảm thấy có động lực hơn sau mỗi bước hoàn thành. Thành tựu nhỏ sẽ giúp bạn tiến dần đến mục tiêu mà không dễ bị xao nhãng.
3. Quy tắc 2 phút
Nếu công việc nào đó chỉ mất dưới 2 phút, hãy hoàn thành ngay lập tức. Điều này giúp loại bỏ những nhiệm vụ nhỏ bé không làm trì hoãn những việc quan trọng hơn.
4. Pomodoro Technique (Phương pháp quả cà chua)
Phương pháp này giúp duy trì sự tập trung mà không bị quá tải. Bạn chỉ cần làm việc trong 25 phút, nghỉ 5 phút và lặp lại. Sau 4 chu kỳ, hãy nghỉ dài 15-30 phút để hồi phục.
5. Tìm người giám sát hoặc chia sẻ mục tiêu
Khi có người cùng bạn theo dõi tiến độ hoặc thậm chí chỉ cần kể cho ai đó về mục tiêu của mình, áp lực tích cực này sẽ giúp bạn không dễ dàng trì hoãn.
Đọc tiếp bài viết của tác giả Dung ding tập viết tại đây:
NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!