LIỆU CHÚ CHÓ NHÀ BẠN CÓ BỊ THIỂU NĂNG TRÍ TUỆ?

Vào những năm 1950s, một nhà khoa học về gien di truyền ở Nga là Dmitry K. Belyaev đã quyết định thử nghiệm việc thuần hóa loài cáo. Cùng với đồng sự của mình là Trut, Belyaev đã đi vòng quanh các trại nuôi cáo lấy lông ở Liên Bang Xô Viết để chọn những con cáo thuộc các loài khác nhau về nuôi. Ông đã chọn những con cáo dựa theo đúng một tiêu chí: ít có yếu tố hoang dã, tức chúng dễ dàng nghe theo con người.

Trut kể lại rằng: "Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là loại bỏ đi sự chống đối với loài người". Do đó những con vật thân thiện, cho phép con người chạm vào, dù chỉ là chốc lát, đều được chọn ra. Có khoảng 10% số cáo trong tổng số con ở các trang trại đã dược chọn ra theo điều kiện đó.

Họ để chúng giao phối và đẻ con, sau đó họ lại lọc ra tiếp những con cáo con được đánh giá là ngoan ngoãn sau 2 tháng rưỡi quan sát. Những con cho thấy sự khó chịu với loài người đều bị trả lại. Và cứ như thế họ chọn ra những con vừa ý họ, và họ ghi chép rằng mỗi thế hệ họ chỉ chọn được khoảng 10% con cáo vừa ý họ. "Kết quả của việc chọn lọc kỹ lưỡng đó là những con cáo có tính cách phản kháng hay là sợ và né tránh loài người đều biến mất hoàn toàn khỏi nhóm cáo được nghiên cứu chỉ sau hai hay ba thế hệ," Trut viết vào năm 1990.

Nhưng điều thú vị là đến thế hệ thứ tư, các nhà khoa học bắt đầu thấy các hiện tượng lạ. Những con cáo con đó bắt đầu hành xử y như loài chó. Chúng vẫy đuôi và luôn thích được con người vuốt ve. Chúng sẽ rên rỉ và kêu và liếm những nhà khoa học y như những con cún con hay làm. Belyaev và Trut tuy không còn nhưng dự án vẫn tiếp tục. Đến những năm 2005 - 2006, hầu hết những con cáo đều trở nên vui vẻ, thích chơi đùa và cư xử y như những con chó đã bị thuần hóa. Chúng hiểu được con người qua những cử chỉ và mệnh lệnh và biết phải hành xử thế nào. Tai của chúng cũng mềm đi và hay cụp xuống, y như những con chó, mèo, heo, ngựa hay là cừu. Đuôi chúng cũng cong hơn so với những con hoang dã, màu lông của chúng cũng thay đổi.

Điều quan trọng đó là trong hoang dã, khi những con cáo con còn nhỏ, chúng cũng có những đặc tính như thế. Tuy vậy các đặc tính đó sẽ biến mất khi trưởng thành. Nhưng ở những con cáo bị thuần hóa trong dự án, các đặc tính đó vẫn tồn tại khi chúng trưởng thành.

Chính xác hơn, những con cáo đó là mãi là những em bé không trưởng thành được.

Ở loài người, chúng ta gọi đó là thiểu năng trí tuệ.

Mặc dù các nhà khoa học còn phải nghiên cứu thêm nhưng dựa trên các kết quả hiện có, chúng ta có thể kết luận rằng quá trình thuần dưỡng đã khiến những con cáo không thể phát triển được. Con người không cố ý khiến con vật bị thiểu năng (hàng nghìn năm trước hẳn tổ tiên chúng ta còn không có khái niệm "thiểu năng") nhưng quá trình thuần hóa đã khiến con vật bị thiểu năng. Chính xác hơn, loài người đã chọn những con cáo bị thiểu năng để làm vật nuôi. Những con cáo không tự tiến hóa như vậy, chúng đã bị chọn lọc bởi con người (cũng lưu ý rằng chẳng có sự tiến hóa nào mà chỉ xảy ra trong 3,4 thế hệ như thế). Và lưu ý rằng các nhà khoa học không hề đặt ra tiêu chí đó để chọn những con cáo con. Họ chỉ chọn cáo con theo đúng 1 tiêu chuẩn: thân thiện với loài người, nhưng rồi những đặc tính kia tự xuất hiện.

Và số phận tương tự như vậy đã đến với những con sói bị thuần hóa thành chó.

Trong tự nhiên, thích thú chạy nhảy đuổi bắt theo trái bóng và coi em bé trong nhà là bạn thân thay vì là đồ ăn có thể bị gọi là thiểu năng. Không con sói nào trong tự nhiên lại chỉ sống quanh quẩn ở một khu vực bé nhỏ, không biết tự kiếm đồ ăn, phải ngoắc đuôi, nịnh nọt con người để có thứ ăn và chỗ ngủ. Thậm chí hoàn toàn hợp lý khi nói rằng vì chú chó nhà bạn quá vô dụng, nên chúng đã học được cách trung thành với loài người, vì không có loài người chúng sẽ chết đói. Những con sói khi bị bỏ mặc một mình chúng có thể tự tìm ra cách giải quyết vấn đề để trở về đàn hay sống qua mùa đông khô cằn, còn con chó nhà bạn?

NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn