Tôi dám cá rằng trong suốt quãng đời học sinh của mình, bạn ít nhất đọc, nhìn thấy bạn bè xung quanh đọc, hoặc nghe về tựa đề của quyển sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Bài viết này sẽ không xoáy vào sự tệ hại khủng khiếp mà quyển sách này gây ra với tâm lý học sinh, mà tôi sẽ tập trung vào việc sự so sánh trong học đường đã giết chết bao nhiêu tâm hồn non nớt của chúng ta.
“Thằng So con nhà bác Sánh vừa được học bổng du học Singapore đấy, sao con không thi luôn đi?”
“Điểm của con đứng thứ bao nhiêu trong lớp?”
“Điểm của con có cao hơn Hạnh nhà bác Phúc không?”
“Tuần này xếp hạng của lớp chúng ta thua xa lớp 12A1!”
“Thục Nghi, em hãy về hỏi chị Phương Nghi của em xem ngày xưa chị em học giỏi cỡ nào”
Tất cả những câu nói ở trên đều là sự so sánh.
Vậy sự so sánh trong học đường là gì?
Sự so sánh trong học đường ở đây có thể hiểu là sự so sánh những tính chất tương đồng (giỏi/dở, nhanh/chậm,…) giữa những học sinh trong cùng (hoặc khác) môi trường học tập. Sự so sánh thường được ngụy biện là để thúc đẩy thi đua, kích thích khả năng ganh đua của mỗi học sinh trong học tập.
Động cơ thật sự của nạn so sánh học đường.
Đầu tiên, cả tôi, các bạn đã trưởng thành, và các em học sinh cần phải hiểu rằng động cơ của sự so sánh ở đây không phải là để cho bản thân của học sinh như những người so sánh thường hay bao biện. Cụ thể:
Tôi chỉ muốn em học tốt hơn
-Giáo viên nào đó-
Không, thật ra giáo viên được hư danh từ những danh hiệu, và khen thưởng cho mỗi huy chương đạt được. Xếp hạng thi đua kém sẽ phải chịu trận trước ban giám hiệu. Tôi xin kể một ví dụ ngay tại trường cấp 3 của tôi, vốn thuộc hệ thống trường THPT chuyên cấp quốc gia. Từ giáo viên đến học sinh đều bị chửi té tát vào mặt khi để “lọt” một học sinh trường không chuyên vào danh sách đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia (Các trường thi ở cấp tỉnh, sau đó sẽ lọc ra đội tuyển đại diện cho tỉnh đi thi cấp quốc gia). Có thể nói rằng áp lực tâm lý là một căn bệnh lan truyền trong tập thể, khi sự so sánh bị rót xuống từ sở giáo dục tỉnh, xuống đến ban giám hiệu trường, sau đó đến tổ chuyên môn và cuối cùng chịu trận ở các học sinh. Và trong khi những cái ly ở trên có thể tràn nước xuống cấp dưới. Những cái ly ở dưới cùng phải gánh chịu toàn bộ sức nặng trong khi vẫn chịu cảnh “giọt nước tràn ly”. Và đương nhiên, chả ai đi rút cái ly dưới cùng để uống cả. Nếu như thật sự các giáo viên muốn tốt cho bản thân bạn, họ đã lắng nghe những điểm mạnh và điểm yếu của bạn, để rồi động viên, thay vì so sánh.
Bố mẹ muốn con công thành danh toại, để còn bằng chúng bè chúng bạn
-Phụ huynh nào đó-
Học sinh bị phụ huynh áp lên cái mong muốn phải “công thành danh toại”, phải nhất thiết là “bằng” được chúng bè chúng bạn. Và hẳn các bạn cũng biết rằng “chúng bè chúng bạn” hoặc là “con nhà người ta” ở đây luôn khiến bản thân mỗi người trong chúng ta khó chịu, thậm chí rất uất ức. Và cái mong muốn ấy có phải thật sự “là để tốt cho con” hay không? Khi mà chúng ta phải đáp ứng lại cái mong muốn của các bậc phụ huynh, mà phần lớn trong số đó hoặc là nằm ngoài khả năng, hoặc là trái ngược với cái tôi của bản thân mình!?
NOTE: Nội dung được viết và reup tự nhiều nguồn (theo tag bài viết). Nếu có bất kì khiếu nại gì về bản quyền mình xin phép gỡ bài viết!